Các công tử Bạc Liêu Công_tử_Bạc_Liêu

Trần Trinh Huy

Bài chi tiết: Trần Trinh Huy

Nổi bật nhất trong số các công tử Bạc Liêu này là Trần Trinh Huy (1900-1974), còn có tên khác là Ba Huy, hay Hắc công tử, là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gònmiền Nam những năm 1930, 1940.

Trần Trinh Huy là con trai thứ hai của quan Hội đồng Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch và bà Phan Thị Muồi, con gái bá hộ Phan Văn Bì (còn gọi là Phan Hộ Biết), người có đất ruộng nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, được mệnh danh là "Vua lúa gạo Nam Kỳ". Do biết luật lệ và thủ tục hành chánh, lại được cha vợ cho đất, giúp vốn nên ông Trạch mau chóng phất lên, mua thêm nhiều đất điền. Các con và rể khác của ông Phan Hộ Biết mê cờ bạc nên lần lượt phải đem ruộng cầm cố cho ông Trạch, nên đất của ông Trạch càng nhiều thêm. Có lời truyền rằng, ông Trạch mau giàu lớn nhờ tài đánh bạc, thường tổ chức bài bạc trong nhà, cho con bạc vay tiền rồi về sau làm chủ luôn tài sản của các con bạc thiếu nợ.

Tại Nam Kỳ thập niên 1930, giới điền chủ lớn chiếm 1.035.000 ha ruộng đất thì riêng hội đồng Trạch đã chiếm 145.000 ha, trong khi toàn bộ 4 triệu nông dân tại Nam Kỳ chỉ có 500.000 ha ruộng đất. Ông Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông Trạch kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc đó có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường.

Ông Trần Trinh Trạch có bảy người con (ba trai, bốn gái): Hai Đinh, Ba Huy (tức Trần Trinh Huy), Tư Huệ, Năm Thu, Sáu Đông, Bảy Dầy, Tám Bò (tức Trần Trinh Khương), cũng là một "công tử Bạc Liêu.Ông Trạch sống cần kiệm, chí thú làm giàu, nhưng ba người con trai ông Trạch có sẵn gia sản kếch sù của cha, nên đều mặc sức phung phí tiền bạc[6]. Nhờ khả năng tài chính rất mạnh của cha mẹ mình, độ phóng túng đối của công tử Trần Trinh Huy đứng hàng số một, không một ai trong nhóm Công tử Bạc Liêu có thể tranh chấp[7], đến nỗi danh xưng Công tử Bạc Liêu gần như gán cho riêng ông.

Khi ông Trạch mất tại Sài Gòn năm 1942, tài sản được chia cho các con trai của ông, nhưng những ông này không có tài làm ăn như cha mà chỉ quen tiêu pha nên gia sản cứ hao hụt dần. Trong thập niên 1960, hai cuộc cải cách điền địa của Việt Nam Cộng Hòa với chủ trương thu đất của đại địa chủ cũng khiến hầu hết ruộng đất của gia đình này bị mất đi. Không còn hoa lợi từ ruộng đất, không biết chuyển hướng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như công nghiệp - dịch vụ, lại quen tiêu xài phung phí nên gia sản của Ba Huy hao hụt nhanh chóng.

Ông Ba Huy mất vào tháng 1 năm 1974 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ba Huy mất sau khi hoang phí gần hết gia sản, chỉ để lại cho các con mấy căn phố lầu. Ông Ba Huy có tám người con, các con ông cũng tiêu xài phung phí giống cha mình, nên nhà cửa cứ bán dần. Con trai ông Ba Huy là Trần Trinh Đức nhớ lại: đến cuối thập niên 1970, các con của ông Ba Huy quyết định bán căn nhà cuối cùng ở đường Nhất Linh với giá 28 lượng vàng, mỗi người chia nhau một phần rồi ly tán, tự tìm đường làm ăn riêng. Các con ông Huy cũng không làm ăn thuận lợi, ông Trần Trinh Đức ban đầu cũng khá giả nhưng rồi con cái ham mê cờ bạc nên mắc nợ, tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt ra đi, ông Đức về sau phải chạy xe ôm kiếm sống. Đến đây thì chính thức kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc hội đồng Trần Trinh Trạch[8].

Số mệnh giàu sang và suy tàn của dòng tộc hội đồng Trần Trinh Trạch để lại nhiều bài học về triết lý "Có vay có trả, của Thiên trả Địa" của Luật Nhân - Quả: ông Trạch phất lên nhờ gia sản của cha vợ và việc cho dân cờ bạc vay nặng lãi, nhưng đời con cháu ông thì lại làm tán gia bại sản cơ nghiệp của cha ông mình, cũng chính vì tiêu xài phung phí và ham mê cờ bạc.

Phan Kim Cân

Bài chi tiết: Phan Kim Cân

Phan Kim Cân (? - ?) hay Công tử Cân sinh tại Bạc Liêu.

Ông Phan Kim Cân là chồng bà Sáu Đông (em gái của "Hắc công tử" Trần Trinh Huy đã nói ở trên). Ông nội của Phan Kim Cân là Phan Hộ Biết (cha vợ Trần Trinh Trạch). Như vậy ông vừa là anh em con cô con cậu, vừa là em rể của Hắc công tử Trần Trinh Huy.

Ông Phan Hộ Biết là cha vợ của Trần Trinh Trạch, nhưng bằng thủ đoạn cho vay, dần dần Trần Trinh Trạch đã chiếm gần hết toàn bộ tài sản của Phan Hộ Biết như ruộng muối, ghe chài, các sở điền… khiến cho cha ruột của Phan Kim Cân không còn thừa hưởng tài sản ấy được bao nhiêu… Chính vì lẽ đó, nên giữa họ Trần và Phan không được thân thiện[9].

Ngay từ năm 1936, ông Cân đã có cảm tình với cách mạng và hoạt động trong một đoàn thể do Việt Minh vận động thành lập, rồi sau đó chính thức tham gia Việt Minh. Về sau, năm 1945, khi Bạc Liêu bị quân Pháp chiếm đóng, ông đã rũ bỏ cuộc sống trưởng giả, vàng son để đi theo cách mạng và trở thành Ủy viên Tài chánh Ngân khố tỉnh Bạc Liêu cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[3]. Năm 1954, khi lực lượng cách mạng xuống tàu tập kết ra Bắc, Phan Kim Cân đã đưa con trai mình là Phan Kim Sơn đi theo đoàn quân ấy. Đến những năm 1960, ông tiếp tục là đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Tây Nam bộ.

Phan Kim Cân là người duy nhất trong nhóm công tử Bạc Liêu tự nguyện rời bỏ cuộc sống giàu sang để dấn thân tham gia cách mạng và cuối đời ông đã có được vị thế xứng đáng, trong khi những người khác trong nhóm thì quen tiêu xài hoang phí để rồi cuối đời bị tán gia bại sản. Theo nhận định của tác giả Huỳnh Minh trong sách "Bạc Liêu xưa và nay" thì:

"trong nhóm công tử Bạc Liêu ai cũng đáng chê, chỉ Phan Kim Cân là đáng khen. Bởi ông trọng nghĩa khinh tài, ai khó khăn, hoạn nạn Cân đều ra tay giúp đỡ, đặc biệt là những cán bộ cách mạng thì được ông Cân cưu mang, chăm sóc đặc biệt" [1][3].

Phương Đình Trung

Bài chi tiết: Trần Trinh Đinh

Phương Đình Trung hay Công tử Phương, là anh cả trong số 7 anh em của gia đình Hắc Công tử Ba Huy và cũng là một tay ăn chơi có hạng.[2]. Khi miền Nam manh nha nền công nghiệp xay sát lúa gạo, ông Phương Đình Hậu, cha của ông Phương, đã bỏ ra một số vốn khổng lồ để cất "nhà máy lửa" mang tên Hậu Giang, giao cho Công tử Phương cai quản. Đây có thể là một nhà máy lớn nhất Nam Bộ dạo đó, với công suất xay lúa 15 tấn một ngày. Là chủ một nhà máy lớn nên ông Đinh giàu sang nhanh chóng và là tay ăn chơi có hạng. Trong một lần, khi đưa gạo sang Nam Vang (Campuchia) bán, giao du với tầng lớp giàu có ở đó, công tử Đinh quen với một tài xế xe trong cung vua, có người vợ đẹp mê hồn. Do quen với cách ăn nói của một công tử, Đinh ngỏ ý với gã tài xế: "Mày bán vợ cho tao, bao nhiêu tao cũng mua". Tài xế nổi nóng, thách thức: "20.000 đồng đó, ông có tiền mua không?" (Hồi đó, giá 20 cân thóc chỉ một hào). Tưởng nói cho bõ giận, ai dè Hai Đinh mua thật. Vợ người tài xế đó đã ở với Trần Trinh Đinh cho đến cuối đời [1].

Trần Trinh Khương

Bài chi tiết: Trần Trinh Khương

Trần Trinh Khương hay còn gọi là Cậu Tám bò, người con út của Trần Trinh Trạch và chính là em trai của "Hắc công tử" Trần Trinh Huy. Ông được du học tại Pháp, nhưng lại nổi tiếng về việc ăn chơi, tiêu xài tiền phung phí và chơi nổi. Năm 1942, ông Trạch mất tại Sài Gòn vì bệnh suyễn, cậu Tám Bò nghĩ ra một "chiêu độc": "xác ông Hội đồng được đeo kiếng đen, đặt ngồi ngay ngắn trong chiếc xe hiệu Chevollet[10] đưa về Bạc Liêu. Khi đến địa phận tỉnh này, tá điền hai bên đường cứ cúi đầu cung kính vì ngỡ ông Hội đồng đi thăm ruộng. Đến khi gia tộc phát tang mới bật ngửa..." [11]

Huỳnh Văn Phước

Bài chi tiết: Huỳnh Văn Phước

Huỳnh Văn Phước tên tiếng Hoa là Dù Hột, ông là con của ông chủ Chá, một đại địa chủ xứ Bạc Liêu, là một người Việt gốc Hoa[5].

Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, đối tượng khai sinh ra thành ngữ Công tử Bạc Liêu chính là Huỳnh Văn Phước. Tương truyền Dù Hột "chịu chơi" đến mức khi thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao tất tần tật vì ngưỡng mộ cái thú trả tiền không cần "cân đo đong đếm". Công tử Dù Hột cho một chiếc chở ông, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kiếng...[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_tử_Bạc_Liêu http://vn.news.yahoo.com/ki%E1%BB%83u-%C4%91%E1%BB... http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-quai... http://dantri.com.vn/c20/s20-232095/cong-tu-bac-li... http://dantri.com.vn/su-kien/chuyen-cong-tu-bac-li... http://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-ve-cau-am-chay-... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20100826/tran-tr... http://www.sggp.org.vn/saigonthubay/2007/3/89911/ http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?n... http://phapluattp.vn/2012041411333795p0c1112/chuye... http://phunutoday.vn/xahoiol/201105/Bach-cong-tu-o...